Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

Vì sao nhà đất Hà Nội đắt hơn Tp.HCM?

Theo sự định hướng quản lý chung của Nhà nước, hai đầu thị trường địa ốc của cả nước là Hà Nội và Tp.HCM luôn có sự liên kết tương thông. Rất khó để có thể so sánh sự "hơn - kém" về môi trường đầu tư, độ chuyên nghiệp và minh bạch của DN cũng như điều hành sở tại. Thế nhưng, có một thực tế là giá nhà đất ở Hà Nôi xưa nay vẫn cao hơn hẳn tại Tp.HCM.

Trong một dịp được trò chuyện cùng một số "đại gia" BĐS từng sinh sống ở Tp.HCM rồi chuyển ra Hà Nội, người viết nhận được những chia sẻ khá thú vị về đất đai tại hai thành phố lớn nhất nước.
"Hà Nội là Thủ đô, nhà đất bao giờ chẳng đắt"

Đa số những người được hỏi đều thừa nhận giá trị BĐS ở Hà Nội thường vượt xa Tp.HCM. Một căn hộ trung cấp ở trung tâm Hà Nội có giá khoảng 30-33 triệu đồng/m2, trong khi cùng vị trí trung tâm, cùng thuộc phân khúc này ở Tp.HCM lại chỉ có giá khoảng 26-27 triệu đồng/m2.

Thời gian vừa qua, khi thị trường BĐS gặp khó khăn, giá căn hộ ở khu vực nội đô vẫn kiên trì giữ giá, có giảm thì chỉ giảm 2-3 giá, mức giảm không đáng kể. Trong khi đó, có nhiều DN phát triển dự án nhà ở thương mại tại Tp.HCM đã giảm giá bán lên tới 30 - 50% so với lúc mở bán. Điển hình như trường hợp Novaland với hàng loạt dự án siêu giảm giá căn hộ tại quận 2, 7, Phú Nhuận. Thế mới biết, đất Hà Nội lúc nào cũng đắt.

Ông Hạnh, một người từng công tác trong ngành tài nguyên môi trường và sinh sống hơn 10 năm tại phía Nam nhận xét: Chưa kể chung cư, đất thổ cư tại Hà Nội mới thực sự "đắt xắt ra miếng". Không riêng khu vực nội thành, ngay cả khu vực vùng "đệm", giá đất tại Hà Nội đã cao hơn nhiều so với đất cùng vị trí tại Tp.HCM.

Lấy ví dụ để so sánh, khảo sát vào tháng 10/2014, giá một lô đất diện tích 250m2 tại mặt đường quận 1 chỉ vào khoảng 150 triệu đồng/m2. Tương đương vị trí như vậy, là các "tấc vàng" ở đường Trần Hưng Đạo, Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Thợ Nhuộm, Phan Bội Châu. Ông Đức, một cán bộ kiểm toán của DN nước ngoài đặt tại Hà Nội cho biết, "ngay cả khi có tiền cũng chưa chắc đã mua được đất ở những nơi đó, đừng nói tới mặc cả, ngã giá". Tại mặt phố quận Cầu Giấy, giá rẻ nhất cũng vào khoảng 350 triệu đồng/m2 mà chủ nhà còn không bán.



Giá nhà đất mặt đường Bà Triệu hay Phố Huế ở Hà Nội có giá trị lên tới cả tỷ đồng/m2, dù rằng độ chính xác chỉ người trong cuộc mới biết vì có quá ít người bán. Trong khi đó, đắt như đất mặt đường Đồng Khởi (Quận 1, Tp.HCM) cũng chỉ ở mức 1,2-1,8 tỷ đồng/m2.

Lý giải về việc giá BĐS Hà Nội luôn cao hơn Tp.HCM, đầu tiên phải kể đến yếu tố tư duy, quan điểm sống của khu vực đồng bằng sông Hồng. Tâm lý, mục đích phấn đầu của cư dân Bắc bộ luôn luôn là "an cư lạc nghiệp".
Những lý do "bất di bất dịch" khiến nhà đất Hà Nội luôn đắt

Ngược lại, tư duy này lại không tồn tại ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thay vào đó là sự phóng khoáng và có phần thiếu căn cơ.

Nếu xét theo góc độ phát triển đô thị và định hướng quy hoạch, điều này rất hợp lý. Bởi Hà Nội ngoài vai trò là trung tâm hành chính - văn hóa - chính trị còn luôn giữ vị thế đầu tàu cả nước về phát triển kinh tế bên cạnh Tp.HCM.

Vì vậy, nhiều người đổ về Hà Nội như một cơ hội để sinh nhai và khẳng định giá trị bản thân. Bà Lan, Giám đốc một DN hoạt động trong lĩnh vực Logistics phân tích: "Cứ nhìn những số liệu về lượng lao động nhập cư vào Thủ đô hàng năm là rõ. Có lẽ, một phần cơ sở để Hà Nội quy hoạch mở rộng chính ở vấn đề đáp ứng nhu cầu chỗ ở của người dân".

Một người mua tên Hoàng, sở hữu nhiều biệt thự lẫn nhà mặt phố trải từ Thanh Hóa tới Tp.HCM chia sẻ: Trên thực tế, giá nhà đất ở trung tâm Hà Nội và Tp.HCM cũng ngang ngang nhau. Nhưng nếu cùng loại BĐS, ở các quận khác nhau trên địa bàn Hà Nội thường chênh nhau gấp rưỡi thì ở Tp.HCM, vốn phát triển đều giữa các khu vực nên khái niệm "trung tâm" cũng chỉ tương đối, giá nhà không chênh nhau quá nhiều.

Nhà quản lý ở Tp.HCM dễ dàng quy hoạch phát triển vệ tinh hơn vì quỹ đất vùng ven đô thị của Tp.HCM rộng hơn Hà Nội. Nếu lựa chọn sinh sống ở Cần Thơ, Biên Hòa, Vũng Tàu...  thì "không kém gì" nội thành Tp.HCM, rõ ràng, khách hàng có thể mua với giá dễ chịu trông thấy.

Nếu so sánh theo phương diện kinh tế học, người miền Nam xem nhà đất chỉ là hàng hóa, nên sẵn sàng xoay vòng, lưu thông nếu cần tiền trong khi đó, đối với người Bắc, nhà đất là tài sản nên giữ gìn và cố gắng làm giá trị "đắt" hơn.

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Cán bộ, công chức sẽ được vay ưu đãi mua nhà giá dưới một tỷ đồng


Diaoconline24h - Vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều tại Thông tư số 11/2013 về cho vay hỗ trợ nhà ở. Qua đó, cán bộ, công chức sẽ được vay ưu đãi mua nhà giá dưới một tỷ đồng

 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều tại Thông tư số 11/2013 ngày 15/5/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ.

Về thời gian vay, theo dự thảo thông tư này, sẽ tối đa nâng từ 10 năm lên 15 năm

Theo dự thảo Thông tư sửa đổi, sẽ bổ sung quy định: Cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp nhưng khó khăn về nhà ở, khi mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1,05 tỷ đồng.

Đồng thời, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động tại đô thị đã có đất ở phù hợp với quy hoạch được vay để xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình.

Về điều kiện cho vay, dự thảo Thông tư bổ sung đối với khách hàng cá nhân vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại phải có mục đích vay vốn để trả khoản tiền chưa thanh toán mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 đối với các hợp đồng đã ký với chủ đầu tư kể từ ngày 07.01.2013; hoặc có mục đích vay vốn để trả các khoản tiền chưa thanh toán với chủ đầu tư phát sinh kể từ ngày 21.08.2014 để mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1,05 tỷ đồng.

Về thời gian vay, theo dự thảo thông tư này, sẽ tối đa nâng từ 10 năm lên 15 năm.

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Căn hộ dưới một tỷ đồng, cứu cánh của thị trường BĐS

Loại căn hộ có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với diện tích nhỏ hơn 70m2 trong quý III vừa rồi giao dịch vô cùng sôi động. Lực mua chủ yếu ở loại căn hộ này là từ những người có nhu cầu ở thực.
Tổng giám đốc Tập đoàn Đất Xanh, ông Lương Trí Thìn cho biết, phân khúc căn hộ giá trung bình đang là phân khúc chủ lực của Tập đoàn này. Trong quý III vừa rồi, thanh khoản ở phân khúc này tăng gấp đôi cùng kỳ, gấp 1,5 lần so với quý I, quý II năm 2014. Điển hình như dự án Topaz Garden (quận Tân Phú) trong khoảng 2 tháng bán hết 407 căn hộ, cũng chỉ trong một tháng, dự án Sunview Town khi tung block A3 đầu tiên đã bán được hơn 300 căn... Các dự án trên đều có giá 700-800 triệu đồng/căn hộ.

Công ty cổ phần Nhà Hòa Bình cũng vừa trải qua quý làm ăn khấm khá với lượng thanh khoản khả quan ở phân khúc căn hộ giá bình dân. Trong quý III vừa rồi, toàn sàn đã có hơn 300 giao dịch thành công, trong đó, phải đến hơn 80% là giao dịch của những dự án giá trung bình. Tháng 8 được ghi nhận với mức mua bán cao nhất kể từ đầu năm 2014.





Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhà Hòa Bình, ông Lê Quốc Duy đánh giá, những dự án căn hộ có giá trung bình 11-14 triệu đồng được giao dịch trong quý vừa rồi có vị trí tại các quận ngoại thành, nơi có mật độ dân cư đông và nhu cầu nhà ở lớn. Đối tượng khách hàng ở phân khúc này chủ yếu là những người có nhu cầu ở thực (chiếm đến 90% khách hàng) như gia đình trẻ, người trẻ vào thành phố lập nghiệp… Điều này khác với thời điểm nóng sốt của thị trường cách đây 7,8 năm, khi mà số khách mua ở thực chỉ chiếm 20%.

Nhiều doanh nghiệp BĐS khác như Thanh Yến, Hưng Thịnh, Hưng Ngân... cũng đang thắng lớn ở phân khúc căn hộ giá trung bình. Chủ đầu tư Hưng Thịnh cho biết, dự án căn hộ 12 View có giá từ 11,3 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT) đã thu hút hơn 400 khách hàng trong ngày mở bán.

Thanh Yến Land cũng chia sẻ, dòng sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp này là phân khúc căn hộ có diện tích 50-70m2, giá bán dưới 15 triệu/m2.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM đánh giá, hiện tượng khởi sắc của thị trường chủ yếu là ở phân khúc căn hộ trung bình thấp còn nhìn chung, thị trường vẫn còn ảm đạm. Cùng một dự án nhưng chỉ những căn nhỏ bán được còn căn hộ lớn vài trăm m2 có giá tiền cao đang rất khó tiêu thụ.

Ông Đực cũng đúc kết: "Những nhân tố giúp phân khúc căn hộ giá trung bình sôi động trở lại là căn hộ phải có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới  15 triệu/m2, tiến độ dự án đảm bảo, sắp hoàn thiện và có thể được vay ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng, ngoài ra còn có cách tiếp thị chuyên nghiệp". Theo ông, đây cũng là nguyên nhân của việc các doanh nghiệp tuyển dụng rầm rộ trong thời gian gần đây.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhà Hòa Bình, ông Lê Quốc Duy nhận định, vào dịp cuối năm khi có thêm lương thưởng, nhiều người sẽ tìm cách huy động thêm nguồn tiền hiện thực hóa giấc mơ có nhà an cư. Hơn nữa, dịp giáp Tết cũng là dịp mà nguồn kiều hối tăng lên. Điều này cũng tác động lớn đến việc mua nhà ở của người dân.

Lãnh đạo một số doanh nghiệp chia sẻ có kế hoạch mua lại những dự án thuộc phân khúc giá trung bình. Nguyên nhân do lượng cung vẫn còn thiếu so với nguồn cầu thực. Các dự án mà chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai, muốn chuyển nhượng hoặc dự án của những công ty buộc phải thoái ngoài ngành sẽ nằm trong tầm ngắm.

Phân khúc này cũng là cơ hội cho những người muốn bảo toàn giá trị đồng khi muốn tìm một kênh đầu tư hiệu quả. Theo ông Nguyễn Văn Đực nếu có số tiền khoảng 700-800 triệu đồng, thay vì gửi ngân hàng, số tiền này có thể mua căn hộ và cho thuê khoảng 6 triệu đồng một tháng, cao hơn lãi ngân hàng. "Hiện không có tình trạng mua đi bán lại căn hộ như kiểu đầu cơ thời kỳ địa ốc nóng sốt, nhưng có một số người chọn cách đầu tư, bỏ tiền mua chung cư nhỏ, giá rẻ và cho thuê".