Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

Mua nhà chung cư Hà Nội cuối năm: Lựa chọn dự án nào?

(Diaoconline) - Muốn mua nhà chung cư tại Hà Nội nhưng chưa biết lựa chọn dự án nào để vừa phù hợp, vừa tránh được những hệ lụy không ngờ, là băn khoăn chung của rất nhiều người mua nhà hiện nay.



Chỉ tính riêng trong năm 2014 đã có tới cả chục dự án chung cư được tái xây dựng, xây mới xuất hiện và cung cấp cho thị trường hàng ngàn căn hộ. Điều này một phần tạo nên sự sôi động trong cạnh tranh của thị trường nhà ở hiện nay, nhưng cũng đồng thời khiến người tiêu dùng cảm thấy băn khoăn khi có quá nhiều lựa chọn và những hệ lụy rắc rối có thể nảy sinh sau đó.

Điểm lại những dự án tâm điểm của mảng căn hộ chung cư Hà Nội trong năm qua, có thể nhận ra một số cái tên nổi bật với thiết kế, tiện nghi, vị trí, giá thành…nhận được nhiều sự khen ngợi và đánh giá cao từ phía người tiêu dùng và các chuyên gia như Khu căn hộ Mipec Riverside, Khu căn hộ Gemek Tower

Khu căn hộ Mipec Riverside


Nằm tại số 2 phố Long Biên, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Dự án Mipec Riverside tiếp giáp với ba con đường: Long Biên 1, Long Biên 2 và Đê Ngọc Thụy, tầm nhìn ra cầu Long Biên và Sông Hồng.




Mipec Riverside là một tổ hợp công trình đa chức năng trên diện tích 16.690 m2, gồm 2 tòa tháp cao 35 tầng và 3 tầng hầm. 5 tầng đầu là các trung tâm thương mại, dịch vụ hỗn hợp ở khối đế với các dịch vụ tiện ích: siêu thị, rạp chiếu phim 3D, bể bơi tiêu chuẩn quốc tế, khu spa. Từ tầng 7 đến tầng 35 của 2 tòa tháp bố trí hơn 800 căn hộ với 16 loại hình căn hộ khác nhau, có diện tích từ 63m2 đến 144m2, bố trí từ 2 đến 3 phòng ngủ.

Mipec Riverside do Công ty cổ phần Hoá dầu Quân đội (MIPEC) chủ đầu tư. Dự án đã được khởi công xây dựng vào quý II/2011 với khoảng 3.000 tỷ đồng vốn. Tính đến tháng 7/2014, Mipec Riverside đã thi công xong sàn bê tông tầng 17, dự kiến sẽ bàn giao nhà cho khách hàng vào quý II/2016.

Khu căn hộ Gemek Tower



Tọa lạc Lô A44, Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn - Geleximco, huyện Hoài Đức, Hà Nội, Khu căn hộ Gemek Tower được liền kề khu vui chơi giải trí Thiên Đường Bảo Sơn và các khu du lịch, vui chơi – giải trí khác nằm ở phía Tây Hà Nội như Đồng Mô, Suối Hai, Ngọc Liệp, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội…

Được triển khai xây dựng trên khu đất có diện tích 8.295m2, với mật độ xây dựng 60%, Gemek Tower bao gồm 2 block cao 34 tầng với 2 tầng hầm, 5 tầng thương mại và 29 tầng căn hộ. Trong đó, tầng 1 đến tầng 4 là trung tâm thương mại, tầng 5 là khu chăm sóc sức khỏe, hệ thống bể bơi 4 mùa trong nhà cao cấp.

Các căn hộ chung cư Gemek Tower được phân bố từ tầng 6 đến tầng 34, diện tích căn hộ từ 60,6m2 đến 115,9m2, được thiết kế rộng rãi, thoáng mát, không gian được sử dụng tối đa do hệ thống giầm, cột được thiết kể khéo léo vào trong tường ngăn, cùng với 14 tháng máy tốc độ cao và hệ thống sảnh chờ lên căn hộ rộng rãi.

Đây là dự án do Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Tập đoàn GELEXIMCO) hợp tác cùng Công ty Cổ phần BĐS Mê Kông (MekongLand) cùng làm chủ đầu tư. Dự án trước đây có tên là Mekong Plaza, hiện đang được thi công trở lại và dự kiến hoàn thành bàn giao căn hộ vào quý 2/2016.

Bắc Hà Tower



Tọa lạc tại mặt đường Lê Văn Lương kéo dài, thuộc quận Từ Liêm, Hà Nội, Bắc Hà Tower gần Trung tâm hội nghị Quốc gia và dự án làng Việt kiều châu Âu. Phía trước mặt Bắc Hà Tower là hồ điều hòa Mễ Trì. Được xây dựng trên khu đất có diện tích 6.950m2, với 3.823m2 sàn xây dựng, Bắc Hà Tower gồm 2 tòa nhà cao 28 tầng với 2 tầng hầm. 2 tầng hầm dùng để giữ xe và bố trí kỹ thuật. Tầng 1-5 là Khu văn phòng, trung tâm dịch vụ thương mại như nhà hàng, siêu thị và tầng 6 đến tầng 28 bao gồm 500 căn hộ với nhiều loại diện tích: Từ 56,5m2 (1 phòng ngủ, 1 WC) đến các căn hộ từ 74 - 115m2 với từ 2-3 phòng ngủ.

Bắc Hà Tower do Công ty CP Xây dựng và Thương mại Bắc Hà làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn khoảng 1500 tỷ đồng, được khởi công xây dựng vào quý 1/2011, dự kiến sẽ bàn giao nhà cho khách hàng vào quý 1/2016. Hiện các căn hộ Bắc Hà Tower đang được chào bán trên thị trường với mức giá từ 1,35 tỷ đồng/căn (đã bao gồm VAT, 2% phí bảo trì).

Chung cư Diamond Blue



Tọa lạc tại số 69 phố Triều Khúc, quận Thanh Xuân, Hà Nội, Diamond Blue cách mặt đường Nguyễn Trãi 600m - dễ dàng di chuyển đến trung tâm thành phố Hà Nội, Mỹ Đình.

Được triển khai xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 2.538m2, trong đó diện tích xây dựng chiếm 69,8%, Diamond Blue gồm 17 tầng nổi và 2 tầng hầm, 4 tầng khối đế dành cho văn phòng, nhà trẻ, trung tâm vui chơi giải trí, thể dục thể thao và mua sắm cho cư dân. Từ tầng 5-17 là khu căn hộ được thiết kế hiện đại, cao cấp với nhiều loại diện tích phù hợp từ 72 đến 127m2, 2-3 phòng ngủ. Ngoài các tiện ích nội khu ở tầng trệt và cây xanh cảnh quan, Diamond Blue còn năm gần các trung tâm mua sắm như BigC 2km, TTTM Royal City 3km và các trường Đại học Hà Nội, Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải,…

Diamond Blue do Liên danh Công ty CP Công trình và Thương mại Giao thông Vận tải (TRACO) và Công ty CP Bất động sản HT làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2008 và tạm ngưng vào năm 2011. Hiện dự án vừa được khởi công lại vào cuối tháng 5 vừa qua, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý II/2015. Hiện các căn hộ tại Diamond Blue có giá bán 17-19 triệu/m2, đã bao gồm VAT và nội thất hoàn thiện.

Nhà ở xã hội Rice City Sông Hồng


Tọa lạc tại lô đất A1-05, phố Gia Quất, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội, dự án nhà ở xã hội Rice City Sông Hồng là dự án nhà xã hội gần với trung tâm Hồ Gươm nhất trên địa bàn Hà Nội (khoảng hơn 3km). Dự án nằm kề cận Ga Gia Lâm và cách sân bay Long Biên khoảng 1,5 km.

Được triển khai xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 10.000 m2, Rice City Sông Hồng gồm 3 khối nhà cao 21 tầng với khoảng 500 căn hộ. Trong mỗi khối nhà, tầng 1, bố trí các kios thương mại, ban quản lí tòa nhà và các phòng kỹ thuật. Tầng 2 bố trí nơi để xe và một phòng sinh hoạt đa năng rộng 500 m2. Từ tầng 3 trở lên tầng 20 bố trí các căn hộ. Mỗi tầng bố trí từ 7 - 10 căn hộ, mỗi căn hộ có diện tích từ 57 - đến 67m2.

Những căn hộ từ 66 m2 trở lên đều có 2 khu vệ sinh với 1 khu vệ sinh gắn với phòng ngủ chính. Những căn hộ có diện tích nhỏ hơn đều có 1 khu vệ sinh được thiết kế với phòng tắm và khu vệ sinh riêng biệt. Không gian sinh hoạt chung và sân chơi ở tầng trên cùng đảm bảo an toàn và hữu dụng.

Rice City Sông Hồng do Công ty CP Bic Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án đã được khởi công vào tháng 1/2014 và dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2015. Dự kiến, giá bán căn hộ tại Rice City Sông Hồng vào khoảng 12 triệu đồng/m2.

Có không hợp tác giữa chủ đầu tư và chuyên gia để thổi giá nhà đất?

Nếu trước đây chủ đầu tư giở các "chiêu" "thổi giá", ý kiến chuyên gia được coi như kênh kiểm tra thông tin tin cậy thì nay khách hàng phải tự làm “người tiêu dùng thông thái” khi chính các chuyên gia, trong nhiều trường hợp, lại là người “bốc thơm” cho dự án theo “hợp đồng” với chủ đầu tư…




Mấy tuần gần đây, trên nhiều tờ báo, một số chủ đầu tư xuất hiện khoe việc bán “hết veo” hàng trong ngày ra mắt, rồi bóng gió về việc tăng giá bất động sản nay mai. Thậm chí, có dự án khoe hình ảnh hàng trăm người xếp hàng, lấy số, bốc thăm quyền mua căn hộ bởi số lượng đăng ký quá đông…

Kịch bản khan hàng ảo?


Điều này khiến khách hàng không khỏi băn khoăn bởi từ lâu hình ảnh này không còn xuất hiện trên thị trường bất động sản, nơi đang diễn ra cảnh “vạn người bán, trăm người mua”.

Nguồn cung trên thị trường bất động sản vẫn liên tiếp tăng khi các chủ dự án đến hẹn mở bán. Khảo sát tại Hà Nội có thể thấy nhiều dự án phân khúc bình dân “bung” hàng, như Gemek Tower, Hồ Gươm Plaza (quận Hà Đông), The Sparks - Lê Văn Lương…

Tuy nhiên, một chủ đầu tư tiết lộ, việc bốc thăm mua căn hộ hay liên tục mở bán thực chất chỉ là một chiêu thức bán hàng, nhằm tạo cảm giác dự án sắp hết hàng, không mua ngay sẽ lỡ. “Hiện tượng mà báo chí phản ánh gần đây cho thấy khách hàng đổ xô mua chung cư chỉ tập trung ở những căn hộ có diện tích nhỏ và giá hợp lý” - ông này nói. “Phân khúc chung cư này luôn có nhu cầu cao, nhưng chỉ diễn ra tại một số dự án, đối với lượng căn hộ nhất định trong cùng một chung cư, nên còn sớm nếu muốn nói rằng bất động sản đã ấm lên hay sắp sốt trở lại”.

Đứng, ngồi không yên vì… chuyên gia


“Cho nên, những ai có nhu cầu mua nhà mà chưa thu xếp được đủ tiền thì cũng không phải quá lo sợ là đuổi không kịp giá” - chủ đầu tư trên đưa ra lời khuyên.

Thế nhưng, chia sẻ với phóng viên, nhiều khách hàng nói rằng họ khó có thể bình tĩnh. Vì không chỉ “đối mặt” với các “chiêu” thổi giá” của chủ đầu tư, họ nhiều lúc còn lạc lối giữa “ma trận” thông tin từ các “chuyên gia” thị trường. Cách đây chưa lâu, khi thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn “giậm chân” tại chỗ, một chuyên gia tuyên bố với báo chí “đã đến thời của bất động sản nghỉ dưỡng” ngay bên lề buổi công bố mở bán một dự án nghỉ dưỡng ở Quảng Ninh.

Vài ngày trước, giữa “biển” thông tin bất động sản có thể được “cứu” bởi quy định “nới” các điều kiện cho Việt kiều, người nước ngoài mua nhà thì một chuyên gia đưa ra nhận định: Cơ hội để có thể bán được bất động sản trung bình và giá cao là đang có, rất nhiều người đang muốn mua nhà; rằng, thị trường bất động sản hiện còn rất nhiều cơ hội, lượng tiền trong người dân còn rất nhiều với khoảng 500 tấn vàng “vẫn chôn dưới chân giường”… Điều này khiến nhiều người có thu nhập chừng mực đang “rình rập” cơ hội an cư đứng ngồi không yên.

Không chỉ các chuyên gia độc lập mà ngay cả các đơn vị đình đám về phân tích thị trường cũng luôn đưa ra những thông tin triển vọng để thuyết phục khách hàng “không có thời điểm nào mua nhà tốt hơn lúc này”. Chính các đơn vị này cũng kiêm luôn dịch vụ bán hàng nên khuyến nghị của họ cũng thường không ngần ngại chỉ rõ luôn “triển vọng” ở những khu vực mà mình đang có dự án.

Trong khi đó là một người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, bà Đỗ Thị Loan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) nhìn nhận, diễn biến thị trường bất động sản trong 10 tháng đầu năm nay đang thiếu đi những cảnh báo cần thiết, thậm chí có nguy cơ quay lại thời kỳ ảm đạm của 7 - 8 năm về trước.

Theo bà Loan, hiện tượng đầu tư mới vẫn tăng, trong khi diễn biến nguồn cầu của thị trường còn nhỏ, chưa rõ rệt, có thể dẫn đến sản phẩm làm ra không bán được, tồn kho tăng. Bà Loan cũng nhận định, có hiện tượng các ngân hàng dễ dàng cho người mua nhà vay tiền mà thiếu các dự báo. “Nếu ngân hàng sẵn sàng cho tất cả mọi người vay tiền mua nhà thì cũng không có cơ sở để tin rằng ngân hàng có đủ lượng tiền để gánh hết lượng căn hộ được trao đổi mua bán qua thị trường trong thời gian tới” - bà Loan nói.

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Văn Danh – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cũng nhìn nhận hiện nay thị trường đang thiếu các dự báo chính xác. “Có người cho rằng thị trường đang ấm lên, người nói rằng nó đang ảm đạm. Vì vậy, ngay từ bây giờ cần có những nhận định, dự báo chính xác, điều đó sẽ giúp cho cả doanh nghiệp lẫn người mua nhà” - ông Danh nói.

Bán giá chênh, sốt giá trở lại: Cơ hội mới hay mối nguy mới?

Đầu tháng 11, nhiều quan điểm đánh giá xen lẫn dự báo mang tính dè chừng về thị trường BĐS đã được đưa ra tại hội thảo “Bất động sản trước những cơ hội mới”. Trong đó, nổi lên ý kiến tích cực về tiến triển khả quan của thanh khoản thị trường từ cuối năm nay lan tới sang 2015 nhờ nhu cầu tăng dần lẫn yếu tố đầu cơ rục rịch trở lại.



Chưa kết thúc nhưng có thể đoán định trước biểu đồ với chiều đi lên của thị trường BĐS Hà Nội trong năm 2014 với thanh khoản sản phẩm bắt đầu phá thế “đi ngang” từ khoảng cuối quý I.

Ngược gió, cánh diều lên

Người lạc quan hay kẻ định kiến với thị trường nhà đất đều thừa nhận đó là nhờ hiệu quả lan tỏa của chính sách điều hành lẫn các công cụ tài chính hỗ trợ đi kèm. Sau đó, phải kể tới quyết tâm trụ lại với địa ốc bằng nhiều cách của giới tạo lập BĐS đã được nhà quản lý “vạch đường chỉ lối” một cách cụ thể.

Hàng loạt dự án tưởng chừng “đắp chiếu dài dài” đã lại náo nhiệt công trường thời gian vừa qua. Nào là Mỹ Sơn Tower (62 Nguyễn Huy Tưởng) với đủ loằng ngoằng về pháp nhân (như TBKD đã phản ánh cuối tháng 5/2014) đã được Liên minh sàn G5 bán “hết veo” những căn dưới 100m2 (thời điểm tháng 6 khi dự án mới chỉ xong móng).

Rồi tới CT3 thuộc tổ hợp The Pride được đổi tên thành HP Landmark Tower cũng rộn ràng mở bán với giá trên 1 tỷ đồng/căn sau hàng năm trời thử thách sự kiên nhẫn của khách hàng tham gia góp vốn.
Hay mới đây là Sapphire Palace (Quận Thanh Xuân) “bỗng” trở lại khuấy đảo thị trường nhờ cái bắt tay giữa Sông Hồng Land và Công ty CP Tân Hồng Hà…

Sự trở lại đầy hưng phấn của các dự án vốn đì đẹt 2-3 năm qua được ghi nhận rõ ràng ở trục Lê Văn Lương kéo dài. Xưa cũ nhất, phải kể tới những tổ hợp dự án của Nam Cường, Nam An Khánh, Bắc An Khánh lũ lượt “vời” khách mua với các dòng sản phẩm “ngon – rẻ” nhưng chỉ “bổ” các Thượng đế chẳng còn lựa chọn nào khác khi tài chính quá eo hẹp.

Nhưng may mắn, đây lại là tỷ lệ quá bán trong dòng người tìm mua nhà đất Thủ đô. Cùng lúc đó, gói 30.000 tỷ đồng, chính sách hỗ trợ DN và khả năng thanh toán của khách hàng mua nhà đã kịp thời có mặt đúng lúc, đúng chỗ.

Chẳng thế, một đại dự án của ông chủ Vũ Văn Tiền như Geleximco Lê Trọng Tấn đang phủ kín những diện tích còn bỏ không: Tháng 10, Gemex Tower được chào bán rộng khắp với mức giá rất “hời”. Trước đó, một dự án cao cấp là GreenStar trở nên đắt giá trong mắt người mua (3 năm trước đã mở cửa nhà mẫu đón khách!)…

Thêm minh họa khác cho cú “lội ngược dòng” dự án là Hồ Gươm Plaza (Trần Phú, Hà Đông) của DN ngành may mặc. Tháng 8/2012, khi dự án mới thi công tới tầng 8, nhiều khách hàng đã nghi ngờ về cái hẹn bàn giao vào quý II/2013.


Mối lo đó đã thành hiện thực, khi thời gian này, chủ đầu tư vẫn vừa mở bán vừa hoàn thiện nốt các tiểu hạ phần còn lại. Chỉ khác, khi trước là Savills phân phối, nay thì tới phiên Đất Xanh Miền Bắc giữ vai trò “bà mối”…

Sau tất cả, năm 2014, May Hồ Gươm vẫn đang “thắng” ở dự án này, sau rất nhiều bức xúc của người mua lẫn cái nhìn trực diện của báo chí. Người dọn về ở còn đủ than vãn, kẻ bên ngoài thì náo nức tìm nhau giao dịch, thậm chí kiêm cả suất chênh – giới tạo lập BĐS chỉ cần điều này.

Chưa “hồi” đã “chênh”

Mua chênh, bán cắt lỗ là hai hoạt động tiêu biểu nhất của thị trường thứ cấp suốt nhiều tháng qua. Hai “động tác” quen thuộc trong giới đầu tư nhỏ lẻ lẫn những “trùm” đầu cơ với tầm nhìn dài hạn ban đầu xuất hiện ở các dự án “tưởng rẻ mà chẳng rẻ” của Xí nghiệp Nhà Lai Châu (Đại Thanh, Kim Văn – Kim Lũ, VP5, VP6 Linh Đàm…).

Sau dần, những dự án tầm trung-cao cấp cũng lọt vào “tầm ngắm” của đội lái này. Có thể kể: HH2 Bắc Hà, C14 Bộ Công an, Tây Hà Tower, CT1-CT2 Trung Văn, HuyndaiHillslate, Diamond Flower Tower.

Hoàn toàn là những cái tên “mới toanh” dù đã “cũ rích” trên hồ sơ nhà quản lý. Tâm lý người mua nhà cũng trở nên bình thản hơn với tình trạng giá chênh vài trăm triệu cho sản phẩm chỉ chưa đầy 1,5 tỷ đồng ngay tại phiên mở bán.

Diễn biến chung, các dự án kể trêna đều ghi nhận bán chênh rất nhanh và ngay sau đó chừng 1-2 tháng, những lời chào mời bán cắt lỗ lần lượt phủ kín các thuê bao di động lẫn email của bất cứ ai.
Tuy vậy, lại có không ít dự án liên tục “duy trì” mức tiền chênh lẫn giá chào bán ở mức ngoài tưởng tượng. Rõ nhất, là N04 Hoàng Đạo Thúy tăng giá chênh theo ngày (đầu tháng 9 ghi nhận trong giới đầu tư là 620-650 triệu đồng/suất, tới cuối tháng 10, lên tới ngót 1 tỷ đồng/suất).

Tiếp sau, Mandarin Garden giao hoàn thiện có đơn giá 53 triệu đồng/m2, D2 Giảng Võ không…còn hàng bán dù người mua sẵn sàng trả 43-44 triệu đồng/m2. Platinum Nguyễn Công Hoan đòi hỏi mức tiền 38-40 triệu đồng/m2 cộng chênh thì… may ra có hàng cho thượng đế.

Nhìn sơ danh sách các dự án có đơn giá cao, tiền chênh vài trăm triệu tới cả tỷ đồng lẫn mức độ “khan hàng”, phần đông vẫn là các dự án cao cấp (chí ít là theo tên gọi dự án).
Trong khi đó, thông tin hồi tháng 9 của CBRE đã khiến rất nhiều người giật mình: Tồn đọng căn hộ cao cấp ở Thủ đô đang vào khoảng 4.000 căn. Tổng nguồn cung lên tới 22.000 căn của 30 dự án, chỉ khoảng một nửa số này đã hoàn thiện và đi vào sử dụng…

Chỉ khó hiểu một điều, khối tài sản nghìn tỷ đồng nằm trong các dự án cao cấp tồn đọng sẽ được xử lý ra sao? Giả thiết nguồn cung dự kiến 22.000 căn như CBRE dự báo là chuẩn xác, thì đó mới chỉ ở thời tương lai. Thống kê nguồn cung là các dự án được phê duyệt, mới triển khai. Còn về đích với tỷ lệ lấp đầy lại là chuyện khác hoàn toàn so với kỳ vọng của DN, nhà băng lẫn ý chí của nhà quản lý.
Phải chăng BĐS đang đứng trước những mối nguy mới, thay vì…cơ hội mới?

Vay tiền mua nhà: trả lãi nhiều hơn gốc

CanHoChungCu - Chỉ trong vòng 6 năm vay tiền ngân hàng để mua nhà, nhiều khách hàng đã phát hoảng khi tổng tiền lãi phải trả xấp xỉ tiền gốc và gần bằng giá trị căn nhà.


Nhiều người vay tiền ngân hàng để mua căn hộ chung cư đến nay vẫn phải chịu lãi suất rất cao, từ 13%-15%/năm

Chị Nguyễn Song Ái - ngụ quận Gò Vấp, TP HCM - cho biết sau 6 năm gồng gánh khoản lãi suất vay ngân hàng (NH) để mua căn hộ chung cư, chị phải quyết định tất toán khoản nợ còn lại bằng cách bán căn hộ này.

Tiền lãi nhiều hơn tiền gốc


Năm 2008, chị Ái vay 600 triệu đồng từ NH TMCP Việt Á để mua căn hộ chung cư trên đường Dương Đình Hội (quận 9) với lãi suất ban đầu 16%/năm. Sau đó, lãi suất tăng dần qua các năm và đỉnh điểm chị phải trả 23%/năm. Đến thời kỳ lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất hạ dần nhưng NH không giảm cho khách hàng vay cũ. Khoản vay 600 triệu đồng của chị Ái tiếp tục bị áp lãi suất 19%/năm.

“Thời điểm năm 2010 khi lãi suất lên trên 20%/năm, tiền lãi tăng từng ngày. Làm bạc mặt chỉ để trả lãi NH” - chị Ái nhớ lại. Đến năm 2011, không chịu nổi lãi suất cao và được một NH khác đồng ý mua lại khoản nợ này, áp dụng lãi suất 16,5%/năm nên chị Ái quyết định tất toán rồi chuyển nợ sang NH mới. Thế nhưng suốt một năm đầu, lãi suất chỉ giảm được 0,5%/năm nên gia đình chị tiếp tục “è cổ” ra đóng lãi. Từ đầu năm 2014, lãi suất huy động giảm mạnh và mỗi lần giảm, chị lại yêu cầu NH điều chỉnh nên lãi suất giảm còn 12,5%/năm. Đến tháng 9, lãi suất khoản vay của chị Ái còn 12%/năm trước khi chị tất toán.

“Quá mệt mỏi, tôi quyết định bán căn hộ, đi thuê nhà ở cho khỏe. Qua 6 năm, giá mua căn nhà lúc đầu 880 triệu đồng, sau khi vay NH tính cả gốc và lãi lên trên 1,4 tỉ đồng. Cách đây một tháng, tôi bán căn hộ chỉ được 870 triệu đồng. Tính ra tiền lãi trả trong 6 năm trên 500 triệu đồng” - chị Ái bộc bạch.

Nhiều khách hàng khác cũng rơi vào tình trạng tương tự do không dự báo được mức lãi tăng quá cao. Chị Lê Thị Bích Phượng (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết năm 2010, chị vay 800 triệu đồng từ NH TMCP Quốc tế (VIB) để mua nhà, lãi suất ban đầu là 13%/năm. Sau đó, lãi suất liên tục tăng theo lạm phát và đỉnh điểm khoản vay của chị Phượng phải gánh lãi suất 25%/năm. “Có tháng, cả gốc và lãi gia đình tôi phải trả tới 21-22 triệu đồng, hoa cả mắt. Giờ nhớ lại vẫn thấy sợ” - chị Phượng nói. Sau nhiều lần điện thoại đến NH thắc mắc, hiện khoản vay của chị Phượng vẫn chịu mức lãi suất 13%/năm. Tính ra, trung bình mỗi tháng, chị Phượng phải trả 17-18 triệu đồng cả tiền gốc và lãi, trong đó tiền gốc chỉ hơn 6,6 triệu đồng/tháng.

Khách hàng bị “o ép”


Theo ghi nhận của phóng viên, rất nhiều khách hàng đang phải trả lãi NH cho các khoản vay mua nhà từ 2-3 năm trước với mức trung bình 13%-15%/năm, thậm chí có người phải trả lãi vay đến 17%/năm.

Chị Vũ Thị Ngọc Hà (ngụ đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9) cho biết năm 2010, chị vay 500 triệu đồng của NH Việt Á, trả theo tiến độ để mua căn hộ chung cư ở quận 9. Lãi suất ban đầu thấp nhưng có thời điểm lên tới 25%/năm. Đến khi lãi suất giảm dần, NH nhất quyết không điều chỉnh giảm cho khoản vay cũ. “NH chỉ nói chưa đến kỳ điều chỉnh hoặc chưa có chương trình và nại đủ lý do để không giảm hoặc giảm rất ít. Tháng 9 vừa rồi, một NH khác có chào lãi suất 10%/năm trong năm đầu và đảo nợ cho khoản vay 300 triệu đồng còn lại nên tôi chấp nhận đóng phí phạt, chuyển nợ sang NH này. Đáng nói, đến lúc tất toán tại NH Việt Á, lãi suất vẫn là 17%/năm” - chị Hà bức xúc.

Lý giải về sự “o ép” này, phó tổng giám đốc một NH thương mại ở TP HCM cho biết lãi suất vay cũ của khách hàng được lấy từ nguồn huy động cũ của NH nên không thể so sánh với lãi suất thấp của các khoản vay mới. Chẳng hạn, 6 tháng trước, NH huy động tiền gửi với lãi suất 10%/năm, cho vay ra 12%-14%/năm, trong khi hiện tại lãi suất tiền gửi chỉ còn 5%/năm nên rất khó so sánh. “Lãi suất vay của khách hàng cũ sẽ giảm dần theo xu thế hiện nay nhưng phụ thuộc vào hợp đồng tín dụng đã ký và thường điều chỉnh 3-6 tháng/lần. Riêng đảo nợ thì bản thân NH không thể đảo nợ cho chính khách hàng của mình, khách hàng chỉ có thể tất toán khoản vay cũ, rồi vay mới để có lãi suất thấp hơn” - vị này nói.

Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Việt Á Phạm Linh cho rằng cho vay mua nhà, NH phải huy động nguồn vốn trung dài hạn nên không thể tùy tiện hạ lãi suất hoặc cho phép đảo nợ sẽ làm “vỡ kế hoạch” của NH. Người vay có thể thắc mắc sao chưa được hạ lãi suất nhưng do NH nhận định dựa vào độ rủi ro của mình, với những người vay được đánh giá tốt, NH đã chủ động điều chỉnh.

Không phải cao mà… rất cao


Nhận xét về lãi suất các khoản vay cũ, chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các mức lãi suất này không phải cao mà là rất cao! Tuy nhiên, khi khách hàng yêu cầu giảm lãi suất cho vay theo đà của lãi suất huy động, NH thường viện vô vàn lý do để chậm điều chỉnh mà phổ biến nhất là chưa tới kỳ điều chỉnh trong hợp đồng tín dụng. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, NH thường “cột” khách hàng vào hợp đồng tín dụng có giá trị trong suốt thời gian vay khiến khách hàng không thể phản đối.

“Gần đây, một số NH sẵn sàng cho vay đảo nợ đối với những khách hàng đang có khoản vay cũ ở một NH khác với lãi suất thấp hơn. Đây không phải là hình thức mới nhưng trong quá khứ, đảo nợ thường được một số NH áp dụng để xử lý nợ xấu nên bị lạm dụng. Do đó, hiện tại khách hàng muốn đảo nợ không phải dễ, phải có quá trình trả nợ tốt và không vướng nợ quá hạn” - TS Hiếu phân tích.

148.000 tỉ đồng vốn vay đang gánh lãi suất 15%/năm


NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho biết khoản vay có lãi suất trên 12%/năm hiện chiếm khoảng 20% tổng dư nợ. Tính đến cuối tháng 10, tổng dư nợ trên địa bàn TP HCM đạt hơn 1,01 triệu tỉ đồng, tính ra có hơn 200.000 tỉ đồng đang phải chịu lãi suất trên 12%/năm.

Trong khi đó theo NH Nhà nước, trên địa bàn cả nước tính đến đầu tháng 10-2014 vẫn còn khoảng 4,12% tổng dư nợ đang phải gánh lãi suất trên 15%/năm. Tổng dư nợ của nền kinh tế đến tháng 7-2014 khoảng 3,3 triệu tỉ đồng, tính ra số vốn vay đang gánh lãi suất trên 15%/năm là 148.000 tỉ đồng.

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Lương 5 triệu, cố gắng 5 năm vẫn mua được nhà Hà Nội

Thấy nhiều bạn trẻ than phiền rằng, cuộc sống ở Hà Nội quá đắt đỏ, mỗi tháng có cả trăm khoản chi tiêu nên dù là mức lương 20 triệu, 2 vợ chồng với 1 đứa con vẫn rơi vào cảnh thiếu thốn. Tôi thấy thật sự lo lắng cho các bạn. Bởi các bạn kêu đói như vậy chứng tỏ các bạn là những người chưa biết chi tiêu, thu vén, chưa biết sử dụng sức lao động của mình để phát triển cho số tiền tăng lên.
Tôi nói như vậy, không phải là chê bai các bạn, mà vì tôi đã phải bắt đầu cuộc sống gia đình với 2 bàn tay trắng, mức lương công chức chỉ xấp xỉ 4 triệu, nhưng tôi đã nuôi được cả gia đình, bao gồm vợ, 1 đứa con, và chuẩn bị là đứa thứ 2 ra đời. Đặc biệt, sau 5 năm kết hôn, bây giờ tôi cũng đã có một mảnh đất với ngôi nhà nho nhỏ cho mình.
Tuy nhiên, để có thể làm được những việc đó, 5 năm qua, tôi và cả vợ tôi cũng đã phải cố gắng hết mình, chi tiêu tiết kiệm hết mình mới có thể có được.
công chức, tiết kiệm, thu nhập, nhà Hà Nội

Khi tôi kết hôn, tôi mới 29 tuổi, là một công chức nhà nước, nhưng chỉ là nhân viên bình thường với mức lương, thưởng, tiền ăn… tổng cộng tất cả được gần 4 triệu/tháng. Vợ tôi, lúc đó là kế toán tại một công ty nhỏ với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Như vậy, khi mới kết hôn, tổng thu nhập mỗi tháng của chúng tôi được gần 7 triệu.
Tuy nhiên, vừa kết hôn xong thì vợ tôi có thai. Đến khi mang bầu được 6 tháng thì vợ tôi mất việc. Thế rồi, khi vợ tôi mang bầu đến tháng thứ 7 lại bị dọa sinh non nên phải nhập viện rồi sau đó là nằm nhà giữ thai cho đến ngày sinh đẻ.
Từ đó, tiền nhà, tiền ăn, tiền bồi dưỡng, tiền chi phí các loại mỗi lúc một nhiều khiến chúng tôi thiếu thốn trầm trọng.
Lúc này, đúng như câu nói của các cụ, đó là: “Đói thì đầu gối phải bò” nên nhờ có chút năng khiếu về nấu ăn, tôi tìm đến nhờ vả rồi xin theo 1 ông chủ chuyên làm cỗ phục vụ đám cưới để làm thêm vào các ngày thứ 7, và chủ nhật hàng tuần.
Thế nhưng, lúc đầu, vì chưa tin tưởng nên ông chủ còn thử thách tôi rất nhiều, hầu như mỗi tháng ông chỉ cho tôi đi làm 1, 2 ngày. Mỗi ngày, ông trả tôi 500 nghìn, khi thì chỉ 300 nghìn. Dần dần, thấy tôi chăm chỉ, thật thà, nên tuần nào ông cũng gọi tôi đi cùng. Từ đó, năng lực của tôi cũng nâng cao, tôi được đứng chân làm cỗ chính nên tuần nào đi làm, ông cũng trả tôi 1,5- 2 triệu tiền công. Rồi vào những mùa cưới, tôi còn tranh thủ mọi thời gian, thậm chí cả làm đêm cho ông để kiếm thêm thu nhập.
Tuy nhiên, từ khi vợ sinh rồi con lớn hơn, tiền sữa, tiền bỉm, tiền các loại chi phí cho con cũng tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, tôi vẫn luôn mơ đến 1 mảnh đất, hoặc 1 căn hộ cho riêng gia đình mình. Vì thế, tôi lại phải vắt óc để nghĩ cách kiếm tiền, và tiết kiệm tiền.
Thế nên, tôi làm việc như một con thiêu thân, 1 người bác của tôi thấy tôi vất vả, lại chăm chỉ hiền lành, nên đã đồng ý cho 2 vợ chồng chuyển đến ở trong 1 căn phòng cũ nát, rộng khoảng 9m2 của bác ở ngoại thành mà không lấy một đồng tiền nhà.Vì thế, số tiền đáng ra phải trả tiền thuê nhà, chúng tôi bỏ riêng ra để tiết kiệm.
Sau đó, để tăng thêm thu nhập, tôi nhận làm chân đi chợ đầu mối để mua thực phẩm, và nhặt rau vào buổi sáng sớm mỗi ngày cho một nhà hàng ăn uống của người cậu bên vợ mở gần nơi chúng tôi ở. Mỗi tháng cậu trả cho tôi 5 triệu.
Rồi cùng 1 công đi chợ, tôi cũng lấy luôn 1 xe rau để vợ tôi ở nhà vừa chăm con vừa túc tắc bán, mỗi ngày kiếm lấy dăm chục một trăm, đủ tiền ăn cho 2 vợ chồng. Sau đó, tôi mới tắm rửa tinh tươm để đi làm công việc nhà nước.
Như vậy, mỗi tháng, tổng thu nhập của chúng tôi cũng trên dưới 20 triệu. Tôi cố định bỏ ra 15 tiệu để gửi tiết kiệm. còn lại, trên dưới 5 triệu, chúng tôi bỏ ra 2 triệu để chi tiền mua sữa, bỉm cho con. Còn tiền ăn, uống, sinh hoạt, ma chay hiếu hỉ… điện nước …chúng tôi chỉ cố gắng gói gọn trong 3 triệu. Hoặc nếu có hụt thì lại phải làm thêm để bù vào chứ không tiêu lẹm vào tiền tiết kiệm.
Rồi sau đó vài năm, ở cơ quan nơi tôi làm việc chính, tôi lại được tăng lương lên gần 5 triệu. Như vậy là chúng tôi lại có thêm 1 triệu để cải thiện cuộc sống gia đình.
Đến nay, sau gần 5 năm kết hôn, từ một bàn tay trắng, chúng tôi đã có 400 triệu tiền tiết kiệm. Vì thế, đầu hè vừa rồi, tôi quyết định vay thêm bạn bè để mua một mảnh đất cũng ở ngoại thành, gần nơi tôi sống với số tiền 450 triệu.
Sau đó, tôi lại vay tiếp 150 triệu để dựng căn nhà nhỏ làm nơi sinh sống cho cả gia đình, vì đằng nào, căn hộ của bác tôi cho mượn cũng đã cũ nát, và cũng đến lúc bác phải lấy lại để tu sửa.
Như vậy, sau 5 năm kết hôn, với khởi đầu và công việc nhà nước chỉ chưa đầy 5 triệu, tôi đã có một mảnh đất, 1 ngôi nhà của riêng mình mà chỉ còn nợ gần 200 triệu. Vì thế, tôi nghĩ rằng, sẽ không có gì khó khăn, nếu các bạn cố gắng. Đồng thời, phải biết chi tiêu hợp lý và hết sức tiết kiệm. Còn nếu không thì dù là là thu nhập 20 triệu, hay 30 triệu/tháng thậm chí hơn, các bạn cũng sẽ khó mà để lại một khoản tiết kiệm cho gia đình mình.

Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Sở hữu nhà lầu di động chỉ 50 triệu đồng

Diaoconline24h - Căn nhà lầu có bánh xe để kéo có giá khoảng 200 triệu đồng, nhưng chủ nhân Việt kiều khẳng định, chỉ cần một phần tư giá này người dân sẽ có nhà để ở.

Ông Tiêu Văn Luận, một triệu phú ở Mỹ từng làm ruộng tại quê nhà xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). Hơn 30 năm trước, người đàn ông này sang Mỹ rồi làm công cho cơ sở sản xuất nhà di động. Khách đến nơi làm nhà, thích căn nào thì mua, kéo về sử dụng.


Những căn nhà lầu di động bằng vách nhôm tổng giá trị khoảng 200 triệu đồng.

Sau khi về Việt Nam đầu tư nhiều dự án lớn ở Phú Quốc (Kiên Giang), ông Luận trở lại quê hương Cà Mau thực hiện ý định làm thay đổi tư duy người dân nơi này, bằng cách chuyển cuộc sống trong những căn nhà cấp 4 tạm bợ ven kênh rạch hoặc vùng sạt lở sang nhà di động.

Với tổng diện tích sàn 48 m2, nhà lầu di động đang lắp ráp trong một góc công viên Hùng Vương ở TP.Cà Mau gây sự chú ý của nhiều người.

"Tôi đi Năm Căn, nghe bà con nghèo than cả đời tích cóp xây được căn nhà ven sông nhưng bị sạt lở phá hỏng. Nếu ở nhà di động thì có điều kiện kéo đến nơi an toàn, tài sản không bị mất", ông Luận chia sẻ.

Theo Việt kiều Mỹ này, mỗi căn nhà ông làm ra hiện ở góc công viên Hùng Vương (TP Cà Mau) có giá khoảng 200 triệu đồng. Nhà diện tích 48 m2 sàn, gồm 1 trệt, 1 lầu, ngang 4 m, dài 6 m, chiều cao tầng trệt 2,6 m, tầng lầu 1,8 m.

Giải thích lý do giá cao như nhà xây kiên cố, ông Luận cho biết riêng tiền nhôm lá xung quanh đã tốn hết 80-90 triệu đồng. "Một tấm lá nhôm gần 400.000 đồng. Vách nhà dày như tường xây, bên ngoài nhôm lá, giữa có xốp cách nhiệt rồi đến cao su, thạch cao, giấy dán tường nên không nóng".


Theo ông Luận, người ít tiền có thể cất nhà lầu di động 50 triệu đồng bằng vách lá quanh khung sắt này.

Những ngày qua, người dân Cà Mau rất chú ý đến các ngôi nhà di động của ông Luận nên đến xem, hỏi giá, tìm hiểu cách làm. Chủ nhân cho biết, khi nào thuê được đất của chính quyền sở tại, ông sẽ cho kéo nhà đến "đậu" rồi cho dân thuê kinh doanh mua bán.

Theo ông, nhà lầu di động thích hợp kinh doanh ở tầng trệt, tầng trên để ở. Giá cho thuê ông tiết lộ khoảng 40-50 triệu đồng/năm, nếu thuê 5 năm tương đương với giá trị căn nhà mua mới.

Nhiều người quan ngại về độ bền và giá bán khá cao, ông Luận giải thích bằng cách so sánh chiếc tàu sắt ngâm mình dưới nước hàng chục năm vẫn không hư hỏng. "Nhà di động trên bờ không bị nước tàn phá nên chắc chắn sử dụng lâu hơn. Tôi chưa thấy nhà kiểu này hư hỏng bao giờ", ông Luận khẳng định.

Doanh nhân này cũng cho rằng, giá căn nhà hoàn chỉnh của ông là 200 triệu. Nhưng với thiết kế này, nếu bà con thuê thợ cất với các vật liệu tận dụng từ địa phương thì chỉ với 50 triệu đồng đã có thể có nhà ở. Cụ thể, tiền sắt chiếm 23 triệu, công 7 triệu, 20 triệu còn lại là tôn lợp, vách lá, sàn bằng cây gỗ địa phương.

Bán nhà ở cho người nước ngoài: Khơi thêm dòng vốn ngoại

Diaoconline24h - Bộ Xây dựng đã đề xuất nới lỏng một số điều kiện, trong đó, cho phép người nước ngoài nhập cảnh vào VN được mua nhà.


Để gỡ bỏ một số khó khăn, trong dự thảo Luật Nhà ở trình Quốc hội, Bộ Xây dựng đã đề xuất nới lỏng một số điều kiện, trong đó, cho phép người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được mua nhà.
Sang Việt Nam công tác và sinh sống đã hơn 4 năm, ông Troy Griffiths, người Australia, Phó Giám đốc điều hành Công ty Savills Việt Nam vẫn phải thuê nhà ở phường Thảo Điền, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh với giá hơn 1.000 USD mỗi tháng. Do qui định còn khắt khe nên dù muốn mua nhà, ông vẫn chưa thể thực hiện. Ông nói: “Đến bây giờ, tôi chưa mua nhà là vì quy định khó khăn, cho vay đối với người nước ngoài của các ngân hàng ở Việt Nam còn hạn chế. Hơn nữa, trong vòng 1 đến 2 năm qua, lãi suất ngân hàng khá cao. Hiện tại, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã được cải thiện và lãi suất ngân hàng cũng đã giảm đáng kể. Vì vậy, điều này là động lực để tôi xem xét đến việc mua căn hộ/nhà ở Việt Nam. Nhưng nếu quyết định mua, tôi sẽ xem xét mua đất hơn là mua nhà”.
Còn ông Marc Townsend, người Anh sang làm việc tại Việt Nam đã 11 năm, mua được một căn hộ tại Đà Nẵng vì đã lấy vợ là người Việt. Ông Marc Townsend cho biết: “Hiện nay, để mua nhà bạn cần phải có việc làm và phải sinh sống ở đây. Tôi hy vọng, Việt Nam sẽ nới lỏng điều kiện, có thể người nước ngoài không phải làm việc ở đây, chỉ cần có đầu tư ở đây và có visa nhập cảnh là có thể được mua. Đây là một việc rất tốt, chẳng hạn như: Thái Lan, Philippines, chỉ cần có tiền là chúng tôi có thể mua nhà trong một dự án từ 30-50%”.
Đây chỉ là hai trong số hàng ngàn người nước ngoài có nhu cầu mua nhà tại Việt Nam nhưng còn gặp khó khăn. Sau 5 năm, Việt Nam thực hiện thí điểm cho người nước ngoài mua nhà, trong số 80.000 người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam chỉ có 126 trường hợp được sở hữu nhà, chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Trong đó, 108 trường hợp là kết hôn với người Việt. Đáng chú ý là chỉ có 5 đối tượng cá nhân nước ngoài được mua một căn hộ duy nhất tại một dự án chung cư và không được cho thuê, không được kinh doanh căn hộ đã mua.
Để tháo gỡ khó khăn, trong dự thảo Luật Nhà ở trình Quốc hội, Bộ Xây dựng đã đề xuất cho phép người nước ngoài chỉ cần được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự được mua và sở hữu nhà ở Việt Nam. Thay vì trước đây người nước ngoài muốn được sở hữu nhà tại Việt Nam phải đáp ứng nhiều qui định, thủ tục nhiêu khê.
Dự án căn hộ cao cấp Sunrise city

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh rất tán thành dự thảo luật nhà ở lần này đã tạo điều kiện tối đa cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở Việt Nam. Theo dự thảo luật, người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam nếu có nhu cầu có thể mua biệt thự, căn hộ chung cư, có thể mua nhà liền kề trong các dự án ở các khu vực mà Chính phủ không cấm. Người nước ngoài khi mua chung cư, được mua tối đa là 30% căn hộ trong tòa chung cư đó. Nếu mua nhà liền kề hoặc biệt thự trong cùng một phường, không được mua quá 250 căn nhà”.

Việc mở rộng cửa cho người nước ngoài mua nhà được coi là một hình thức xuất khẩu tại chỗ. Thay vì chúng ta phải xuất khẩu cát, đá, xi măng, thép, người lao động... sang nước ngoài thì nay chúng ta xuất khẩu tất cả ngay tại nước mình. Hơn nữa, đối với sản phẩm đặc thù này, người nước ngoài chỉ có thể sử dụng mà không thể mang theo.
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế bất động sản cho biết: Người nước ngoài chỉ cần nhập cảnh vào Việt Nam là có thể mua nhà. Đây là một yếu tố rất thông thoáng và tạo điều kiện rất thuận lợi. Có hai vấn đề chính trong này, thứ nhất là dòng tiền, hiện tại dòng tiền của bất động sản chôn vùi rất lâu, 4-5 năm nay chưa khai thông. Thứ hai là tiêu thụ được hàng hóa, sản phẩm bất động sản và người nước ngoài cũng rất là mong đợi.
Mở cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là phù hợp xu thế hội nhập. Tuy nhiên, một vấn đề lớn đặt ra là, làm thế nào để việc mở rộng điều kiện cho cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam không làm mất cơ hội mua và sở hữu nhà của đại đa số người Việt Nam có thu nhập trung bình và thấp trong nước. Do vậy, Luật Nhà ở sửa đổi cần quy định, cá nhân nước ngoài chỉ nên được mua chung cư cao cấp trong dự án để tránh cạnh tranh trực tiếp với người dân Việt ở phân khúc bình dân và để tránh tích tụ bất động sản. 
Có thể nói, với quan điểm chung đã được đa số đại biểu Quốc hội đồng thuận, thị trường bất động sản đang trông đợi những quy định mới sẽ sớm được thông qua